Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Nhanh, chậm trong kinh doanh

Khi con người ta chọn chậm nghĩa là ta đã chọn sự ổn định chọn áp lực nhẹ nhàng và chọn sự cạnh tranh cũng nhẹ nhàng. Với tôi chậm lại không phải là để thụ động tận hưởng. Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.
Tôi và anh khá chênh tuổi nhau. Anh hơn tôi khoảng 14 tuổi. Khi tôi bắt đầu thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp của anh đã thành lập trước tôi gần chục năm. Anh là một thanh niên thông minh, là học sinh giỏi quốc gia rồi được đi học nước ngoài.
Về nước với vốn kiến thức phong phú, ngoại ngữ cừ và một ít vốn khi anh buôn bán khi đi học gần như ngay lập tức anh mở công ty chuyên mua bán vật tư thiết bị. Và cái lợi thế đó của anh nhanh chóng phát huy. Doanh nghiệp của anh ngày một lớn mạnh, mối quan hệ của anh ngày một rộng lớn và anh đã là ông chủ cỡ lớn.
Rồi khi thấy thị trường tư vấn thiết kế béo bở gần như ngay lập tức anh có ngay công ty tư vấn của mình. Đó là thời điểm tôi gặp anh. Công ty tôi mới ra đời và toàn phải đi làm các hợp đồng thầu phụ. Tôi tìm đến anh để xin làm thầu phụ còn anh thì cần tôi bởi anh không muốn nuôi quá nhiều quân phức tạp vì anh có quá nhiều lĩnh vực kinh doanh cần phải quan tâm. Và cách làm tốt nhất là khoán cho các công ty nhỏ như công ty của tôi.
Có thể nói thời điểm đó tôi rất thần tượng anh, một con người khi tôi gặp toát lên vẻ sang trọng, hiểu biết quan hệ rộng rãi. Tôi tự nhủ rằng không biết đến bao giờ mình có thể làm được như anh.
Vào cuối năm 2004 đầu năm 2005, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phát triển thì anh gần như ngay lập tức đã nghiên cứu và chuẩn bị thực hiện việc thành lập công ty chứng khoán. Và năm 2006 công ty chứng khoán của anh ra đời. Chắc các bạn cũng biết đó là thời điểm vàng để đầu tư chứng khoán. Và lợi nhuận liên tiếp bay vào túi anh. Anh đã bỏ quên hết các lĩnh vực đầu tư của mình. Công ty tư vấn của anh có thể nói là rất hùng mạnh lúc bấy giờ anh cũng bỏ quên.
Anh say mê với lĩnh vực mới với những lợi nhuận khổng lồ mà như anh đã từng nói với tôi cứ mở mắt ra anh có hàng tỷ đồng. Tiền đến với anh càng dễ bao nhiêu thì các lĩnh vực kinh doanh khác của anh cũng dần dần chết hoặc phát triển ẹo uột. Lúc đó tôi nhìn thấy công ty tư vấn của anh ngày một đi xuống mà tiếc cho nó. Tôi tiếc lắm và cứ nghĩ nếu nó vào tay tôi thì tốt biết bao. Nhiều đêm tôi ao ước điều đó vì công ty đó có một hồ sơ kinh nghiệm hoành tráng, có giấy phép được hoạt động đến mức tối đa. Trong khi công ty của tôi lúc đó thì quá nhỏ bé.
Bẵng đi một thời gian tôi vẫn miệt mài với công ty nhỏ bé của mình từng bước từng bước một công ty của tôi tiến dần vào thị trường và từng bước tạo được uy tín và khách hàng đến với tôi cũng nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe tin về công ty của anh nhưng toàn là tin không tốt. Trong một lần qua thanh toán nốt công nợ mà công ty anh còn nợ tôi. Thì tôi vô cùng bất ngờ, cả một công ty tư vấn to đùng ngày nào với mấy chục nhân viên tọa lạc trên một con đường lớn của thủ đô trong một ngôi nhà cao tầng hoành tráng thì bây giờ chỉ còn 3 người. Một phó giám đốc một kế toán và một nhân viên sai vặt.
Tôi có tìm hiểu và được biết đã mấy năm qua anh mải mê với chứng khoán anh đã bỏ quên công ty này rồi. Thậm chí ba bốn tháng anh mới đến thăm công ty. Công ty hay cái cây cũng thế thôi. Muốn nó phát triển thì người chủ của nó phải thường xuyên tưới bón chăm bẵm nó mới có thể lớn được. Anh đã không quan tâm đến nó và để nó chết một cách thảm thương. Và đến một ngày tôi vô cùng bất ngờ khi nghe tin buồn về công ty chứng khoán của anh và tôi thực sự buồn cho anh. Một con người nhanh nhạy với thị trường thế mà giờ đây lại có một kết cục như vậy. Tôi vẫn còn nhớ như in khi anh thành lập công ty chứng khoán vào thời điểm thị trường bùng nổ trong lúc anh em ngồi nói chuyện anh từng nói với tôi câu nói mà tôi ấn tượng tận đến bây giờ: "Ở Hà Nội lắm người giầu nhưng người giầu hơn anh không phải là nhiều". Không biết anh còn nhớ câu nói này của anh không.
Thật vậy chuyện nhanh chậm tưởng chừng là chuyện của một phương tiện giao thông hay là câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa. Nhưng không phải nó vẫn hiển hiện quanh ta, ngay trong ta, trong bạn ta trong xã hội này. Nhanh có nghĩa là sẽ biến con người ta thành cái máy, chúng ta đến mục tiêu nhanh hơn. Chọn con đường nhanh với nhưng tính toán chớp thời cơ đồng nghĩa chúng ta sẽ phải cạnh tranh, ganh đua quyết liệt. Hệ quả tất yếu của những áp lực đó chính là sự không chắc chắn. Khi quá nhanh chúng ta sẽ không đủ thời gian đề hoàn thiện các bước đi của mình mà vô hình chung chúng ta bỏ đi nhiều thứ mà giá trị của nó lớn hơn. Khi chúng ta chậm thì sao, có lẽ ngược với nhanh chúng ta lại cẩn trọng quá để rồi có nhiều cơ hội đến chúng ta bỏ qua nó. Âu cũng là tính của con người ta.
Khi con người ta chọn chậm nghĩa là ta đã chọn sự ổn định chọn áp lực nhẹ nhàng và chọn sự cạnh tranh cũng nhẹ nhàng. Và đôi khi nhìn lại quãng đường đi của mình, bạn nhận thấy, phải chăng, những bước đi của mình hơi chậm và bạn bè của bạn đạt được nhiều hơn những gì bạn có.
Nhà văn Nguyễn Thanh Bình có từng nói trong tản văn của mình là: “…tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời tình người lấp lóe bên tôi…”. Thật là chí lý chậm không có nghĩ là chúng ta chậm lại mà là chúng ta cho nhịp sống có một khoảng không gian thực sự sống thực sự cảm xúc và cảm nhận được cho nó. Với tôi chậm lại không phải là để thụ động tận hưởng. Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.
Nguyễn Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét